Nuôi dưỡng một chú cún con quả là một quá trình gian nan, đặc biệt là chúng ta phải biết quan tâm đến tình trạng của các bé thường xuyên và đưa các bé đến cơ sở thú y để kiểm tra định kì.
Dưới đây J&pet sẽ đưa một vài thông tin mà các bạn nên biết để chuẩn bị cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng các bạn cún nhà mình nhé!
1. Tìm một cơ sở hoặc bác sỹ thú y đáng tin cậy
Lý tưởng nhất là bạn nên tìm cho mình một vị bác sĩ thú y đáng tin cậy trước khi đón cún con về nhà. Hãy tham khảo ý kiến của bạn bè, những người đã từng nuôi chó xem họ có thể gợi ý cho bạn một vị bác sĩ nào đó không. Nếu có thể, hãy ghé thăm cơ sở thú y của bác sỹ đó trước, quan sát xung quanh xem liệu khu vực phòng chờ và khám bệnh có đủ sạch sẽ hay thái độ của các y tá, nhân viên ở đó có nhã nhặn và nhiệt tình giúp đỡ hay không.
Cố gắng tìm chỗ giới thiệu và treo bằng của các bác sĩ để xem họ tốt nghiệp từ thời gian nào. Những bác sĩ thú y đã tốt nghiệp lâu năm sẽ có nhiều kinh nghiệm nhưng có thể sẽ ít cập nhật những kiến thức hay công nghệ điều trị bệnh tân thời. Trong khi đó thì các bác sĩ tốt nghiệp gần đây có thể nắm được những thông tin hay phương pháp trị bệnh mới nhất nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Bạn cũng cần tìm hiểu xem lịch làm việc của bác sỹ hay cơ sở thú y đó có phù hợp với thời gian biểu cá nhân của bạn không và họ có tiếp nhận những trường hợp khẩn cấp ngoài giờ hay không. Một cơ sở thú y thường có nhiều bác sĩ, do đó, tốt nhất là hãy làm việc gắn bó, lâu dài với một vị bác sĩ, người đã biết rõ về thú cưng của bạn. Mỗi lần cần đưa cún cưng tới kiểm tra, hãy hỏi các nhân viên ở đó rằng liệu bạn đặt lịch hẹn riêng với vị bác sĩ đó được chứ.
Lựa chọn một bác sĩ thú y là quyết định của cá nhân bạn nên hãy cố gắng chọn người bác sĩ có tính tình thoải mái, thực sự lắng nghe bạn, luôn giải đáp những câu hỏi của bạn một cách ân cần và lúc nào cũng khiến bạn thấy an tâm. Nếu vị bác sỹ thú y đầu tiên bạn chọn có điều gì đó khiến bạn cảm thấy không vừa ý, hãy tiếp tục tìm kiếm và thay đổi cho tới khi bạn gặp vị bác sĩ hoàn toàn phù hợp với bạn và cún cưng của bạn.
2. Vấn đề về tài chính
Bạn cũng có thể xem xét việc mua bảo hiểm y tế cho cún cưng của mình. Điều này sẽ giúp giảm bớt những chi phí cho việc chăm sóc thú y đặc biệt khi có những vấn đề khẩn cấp xảy ra. Tôi đã từng thấy khá nhiều trường hợp những người chủ nuôi ở trong phòng cấp cứu với một bé cún con bệnh rất nặng mà không đủ tiền để chi trả cho việc chữa bệnh vì họ đã dành hết tiền để mua cún và những đồ dùng cần thiết. Bạn cần biết là mình có thể sẽ phải bỏ ra ít nhất 1 -2 triệu đồng cho những chuyến thăm khám thu ý thường lệ và có thể là thêm vài triệu (thậm chí là chục triệu) cho những tình huống bệnh khẩn cấp.
3. Vấn đề tiêm chủng
Những chú chó sơ sinh không có khả năng miễn dịch bẩm sinh, chúng chỉ được nhận kháng thể từ mẹ để có thể chống chọi với bệnh tật trong khi chờ hệ miễn dịch của mình phát triển. Tiêm chủng là một khâu thiết yếu trong việc chăm sóc thú y cho cún con để giúp chúng phòng ngừa những bệnh nghiêm trọng. Có một số loại vắc-xin bắt buộc phải tiêm cho cún con và một số loại thì không.
Tổ chức thuốc thú y Hoa Kỳ đã thông báo rõ những loại vắc-xin bắt buộc phải tiêm cho mọi chú chó bao gồm: vắc-xin phòng bệnh về đường hô hấp và đường ruột, vắc-xin phòng bệnh viêm gan do virus adeno loại 2, phòng bệnh do virus parvo loại 2 và phòng chống bệnh dại. Một số loại mũi tiêm cần thiết phải thực hiện trong vòng 1 năm đầu đời để cung cấp cho chó con đủ khả năng miễn dịch.
4. Tẩy giun định kỳ
Rất nhiều cún con đã nhiễm ký sinh trùng đường ruột từ mẹ thậm chí trước cả khi chúng ra đời. Chính vì vậy, việc đưa cún con tới bác sỹ thú y để tẩy giun đều đặn là một việc vô cùng quan trọng và cần tiến hành các bài kiểm tra phân để đảm quá trình điều trị đã hoàn tất. Nếu không điều trị tận gốc những loại ký sinh trùng đường ruột như giun tròn, sán dây, giun tóc và giun móc có thể gây ra bệnh thiếu máu, sút cân và dẫn đến tử vong. Một số loại ký sinh trùng trong ruột của chó cũng có thể gây bệnh cho người, vì vậy việc kiểm tra kỹ lưỡng không chỉ có tác dụng cho sức khỏe của cún cưng mà còn là bảo vệ bạn hay bất kỳ ai đó phải tiếp xúc với phân của chú cún. Hãy tẩy giun định kỳ cho chú chó của bạn và nhớ là sau đó sẽ chỉ bế nó lên khi cún yêu đã đi bộ một quãng đường đủ dài, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây bệnh từ chó cưng sang bạn.
5. Chú ý bệnh giun tim
Một vấn đề khác cần chú ý là bệnh do giun chỉ Dirofilaria immitis gây ra, hay thường được gọi là giun tim. Không giống như những loại ký sinh trùng đã được đề cập ở trên, loại giun này sống trong hệ tuần hoàn máu và thường chui vào khoang tim. Giun tim lây lan do bị muỗi đốt và đây là một căn bệnh phổ biến ở nước Mỹ. Do khí hậu ngày càng nóng lên hiện nay, loài muỗi có khả năng hoạt động trong năm dài hơn, do đó, bạn nên chuẩn bị để phòng bệnh giun tim cho cún cưng. Tổ chức nghiên cứu về bệnh Giun tim ở chó của Mỹ đã khuyên rằng các chú chó con nên được phòng ngừa bệnh giun tim trước khi chúng được 8 tuần tuổi.
6. Chú ý ký sinh ngoài da
Tương tự như với giun kim, để ngăn ngừa các loại lây nhiễm như bọ chét hay ve dễ hơn nhiều so với việc phải điều trị chúng. Bác sĩ thú y sẽ cung cấp cho bạn một loạt các sản phẩm có thể sử dụng an toàn cho cún con được khoảng 8 tuần tuổi hoặc lớn hơn. Để ngăn ngừa tình trạng chó bị ve, bọ chét, hãy luôn cắt tỉa bãi cỏ gia đình gọn gàng và tránh không để chó con của bạn chạy vào bụi rậm hay những nơi nhiều cây cối. Vệ sinh môi trường xung quanh bằng cách thường xuyên giặt giũ ga giườg và hút bụi trên thảm để loại bỏ trứng và ấu trùng của các loại ký sinh trên.
7. Vấn đề triệt sản
Triệt sản cho cún con sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của chúng và bạn càng nên xem xét vấn đề này nếu không có ý định nhân phối giống. Những chú chó con khỏe mạnh có thể triệt sản từ lúc chúng được khoảng 8 tuần tuổi, tuy vậy, một số bác sĩ thú y vẫn khuyên bạn hãy đợi đến khi cún được 4 – 6 tháng tuổi. Nếu có thể, việc triệt sản nên thực hiện trước lần động dục đầu tiên của chó cưng vì điều này chắc chắn sẽ loại bỏ những nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú ở độ tuổi sau này.
8. Chế độ ăn uống và trọng lượng cơ thể
Những chú cún đã được 8 tuần tuổi hoặc lớn hơn nên được cho ăn một loại thực phẩm dành cho chó con có chất lượng tốt. Thức ăn thông thường của các chú chó trưởng thành sẽ không cung cấp đủ năng lượng và canxi cho những cơ thể đang tăng trưởng của cún con độ tuổi này. Hãy lựa chọn thức ăn của những nhãn hàng uy tín, có chất lượng và lắng nghe tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ thú y bạn tin cậy để quyết định bạn nên cho cún cưng ăn theo mức nào. Lý tưởng nhất thì bạn nên cho chó con ăn từ 3 – 4 bữa một ngày đến khi chúng được 6 tháng tuổi. Lúc đó, bạn có thể điều chỉnh và giảm chế độ ăn của cún xuống còn 2 bữa mỗi ngày. Đừng quên thường xuyên hỏi bác sĩ thú y xem liệu chó con yêu quý của bạn có tăng trưởng khỏe mạnh hay không.
9. Vấn đề mọc răng
Chiếc răng sữa đầu tiên của cún con sẽ nhú lên vào khoảng 3 tới 8 tuần tuổi và khi chúng được 4 tới 6 tháng tuổi, những chiếc răng sữa này sẽ dần dần được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Chiếc răng sữa đầu tiên bị rụng thường là răng cửa. Bạn sẽ biết cún cưng của mình bước vào thời kỳ thay răng khi thấy chúng thường xuyên gặm nhấm đồ đạc trong nhà. Một vấn đề quan trọng là đừng bao giờ để chú chó nhỏ của bạn một mình mà không có ai để mắt tới, nhất là khi chúng đang trong thời kỳ thay răng.
Trong giai đoạn “ngứa răng” này, ngoài việc cún con sẽ làm hỏng đồ dùng của bạn, hậu quả đôi lúc có thể là chúng sẽ ăn “nhầm” đồ vật khiến bị tắc ruột hoặc ăn phải những vật liệu độc hại. Một nguy hiểm khác là các chú chó có thể nhai cả dây điện và bị điện giật, dẫn đến chứng phù phổi có thể gây tử vong. Hãy chuẩn bị sẵn cho chó yêu những đồ chơi phù hợp cho giai đoạn thay răng này. Hiện nay, các cửa hàng bán đồ cho thú cưng đều có rất nhiều loại đồ chơi được thiết kế đặc biệt dành riêng để cún nhai, gặm trong thời kỳ này. Thời gian thay răng thường kéo dài trong khoảng vài tuần tới một tháng. Giai đoạn này cũng cần có bác sĩ thú y theo dõi sát sao bởi lẽ đôi khi, có những chiếc răng sữa không rụng đi và như vậy sẽ ngăn không cho răng vĩnh viễn mọc lên.
10. Sắp xếp đồ đạc trong nhà
Hãy quan sát thật kỹ trong nhà để biết liệu có những nguy hiểm tiềm ẩn nào có thể ảnh hưởng tới những chú cún con tò mò, hiếu động hay không. Bạn nên để ý những thứ có thể chứa độc tố như một vài loại thực vật trồng trong nhà, hay các sản phẩm tẩy rửa và hãy cất chúng ở ngoài tầm với của chó yêu. Bạn có thể sử dụng loại cửa dùng cho em bé (tấm cửa được đóng từ nhiều thanh gỗ thưa, ngăn không không cho trẻ đi tới những nơi nguy hiểm) để ngăn chặn việc cún con lại gần khu vực cầu thang và có thể bị rơi xuống hoặc để giới hạn không gian của chúng khỏi những nơi “không an toàn cho chó con” như tầng hầm hay khu xưởng.
Bạn cần cất cẩn thận những đồ vật nhỏ như tiền xu, trang sức, cặp tóc để tránh việc cún con có thể nuốt nhầm những món đồ đó. Thường xuyên vứt rác và nên sử dụng loại thùng rác có nắp đậy chặt để các chú chó con không thể mở ra. Nếu nhà bạn có máy sưởi, đừng quên tắt đi khi không sử dụng.
Bạn nên ghi nhớ rằng, cách tốt nhất để đảm bảo cún yêu bé nhỏ của mình không gặp bất kỳ vấn đề gì là đừng bao giờ để nó một mình mà không có sự giám sát nào cả. Cũng cần chú ý là đừng bao giờ nhốt chú chó của bạn vào những chiếc thùng kín và sẽ khó cho mọi người nhận biết được vật ở bên trong.